Content marketing dần trở thành xu hướng trong một thế giới người tiêu dùng đang bị quảng cáo bủa vây hàng ngày. Content marketing mở ra một con đường giúp bạn vượt qua tình trạng bão hòa này, từ đó xây dựng mối quan hệ với khách hàng và thể hiện khả năng trong lĩnh vực chuyên môn. Rất nhiều tổ chức đang áp dụng hình thức marketing này để tạo sự tương tác với khách hàng và củng cố sức mạnh thương hiệu. Đó là chiến dịch “Real beauty” – Vẻ đẹp thực sự của Dove, chiến dịch “Share a Coke” – Chia sẻ Coke của Coca Cola, đến những hội thảo trực tuyến và tặng tài liệu miễn phí.
Nhưng những nội dung đó không được tạo ra theo cùng một cách. Có rất nhiều kiểu nội dung và hiểu được sự khác nhau này sẽ giúp bạn tìm được hình thức hiệu quả nhất cho doanh nghiệp của mình.
Dưới đây là 06 kiểu marketing nội dung được yêu thích:
1. Kể chuyện
Kể chuyện là hình thức tiếp thị nội dung dựa trên những câu chuyện nhằm củng cố giá trị thương hiệu hoặc mục đích của doanh nghiệp, tổ chức. Trên thực tế, có nhiều thương hiệu đã áp dụng hình thức này rất tốt, họ đã gắn được yếu tố cảm xúc vào thương hiệu thông qua những câu chuyện.
Southwest Airlines: Thương hiệu Southwest Airlines hoàn toàn tập trung vào sự tâm huyết và yếu tố con người. Thay vì chỉ nói đến những thế mạnh về chi phí giá rẻ hay thủ tục đơn giản, họ sử dụng báo chí, email, mạng xã hội và những kênh truyền thông khác để kể những câu chuyện về cách Southwest Airlines đã hỗ trợ khác hàng, làm họ ngạc nhiên hay mang đến niềm vui bằng những buổi hòa nhạc ngay trên máy bay. Đằng sau những câu chuyện đó, đều là một thông điệp về sự tận tâm của thương hiệu.
Lyft: Khởi đầu với ý tưởng xe hơi chia sẻ (đi chung xe), Lyft đã trở thành một người khổng lồ trong thế giới công nghệ, cung cấp giải pháp thay thế cho dịch vụ taxi truyền thống ở hầu hết các thành phố lớn của Mỹ. Hiện nay, mặc dù đã trở thành một tập đoàn lớn, Lyft vẫn giữ được giá trị cốt lõi cho cộng đồng thông qua những những chương trình hợp tác từ thiện và thuê những lái xe sẵn lòng đi thêm vài dặm. Trên blog của mình, Lyft thu hút sự chú ý của người xem vào những thông tin về chương trình hợp tác này, và kể những câu chuyện về cách họ tạo điều kiện để những người lái xe có thể hiện thực hóa giấc mơ của họ với nguồn thu nhập từ Lyft.
2. Nguồn thông tin liên quan hữu ích
Trong khi hầu hết tất cả nội dung marketing xoay quanh việc cung cấp thông tin cho khách hàng, thì những “thông tin liên quan hữu ích” được tạo ra nhằm giúp mọi người sử dụng sản phẩm của bạn tốt hơn một cách trực tiếp hoặc bổ trợ. Ví dụ, Whole Foods sử dụng trang web của họ và thư điện tử để gửi tới khách hàng những công thức nấu ăn theo từng mùa, từ đó giúp họ chế biến những món ăn ngon hơn với thực phẩm của Whole Foods. Airbnb, một ứng dụng du lịch giúp mọi người thuê nhà và căn hộ, đã tạo ra những bản hướng dẫn du lịch trong thành phố để giúp khách du lịch có thể khám phá và chọn được một nơi để nghỉ một cách dễ dàng. Kiểu thông tin liên quan hữu ích thường nhằm mục đích nâng cao trải nghiệm người dùng thay vì chỉ hướng dẫn khách hàng sử dụng sản phẩm.
3. Tặng quà miễn phí để thúc đẩy bán hàng
Trong khi nhiều tổ chức lo lắng với những hoạt động tặng quà quá nhiều, thì việc cung cấp những mẩu thông tin hữu ích với chi phí 0 đồng cũng có thể mang lại doanh thu cho bạn.
Thứ nhất, nó làm cho mọi người yêu thích, tin tưởng những nội dung bạn đưa ra, từ đó khiến họ muốn được nhận nhiều thông tin như vậy hơn nữa. Thứ hai, thiện chí giúp đỡ sẽ khiến khách hàng muốn lựa chọn sản phẩm của bản vì bạn đã giúp đỡ họ mà không tính toán.
Các huấn luyện viên cá nhân đăng tải những video hướng dẫn tập luyện lên YouTube để khuyến khích mọi người mua DVDs, kế hoạch dinh dưỡng và những sản phảm khác của họ. Các tác giả thường để độc giả đọc thử một vài chương trong tác phẩm của mình hoặc tặng bản ebook miễn phí trước khi xuất bản một cuốn sách mới. Những album nhạc được tải miễn phí cũng là một cách để các nhà soạn nhạc tăng doanh số vé bán.
Nguyên tắc cho-nhận cũng được áp dụng ngay trong chính lĩnh vực marketing. Vậy nên, bạn cứ cho đi và rồi bạn sẽ nhận lại.
4. Nội dung thu thập
Nếu bạn là một người hiểu rõ lĩnh vực mình đang hoạt động, đôi khi cách hay nhất là mang những hiểu biết đó đến với khách hàng. Các tổ chức chuyên tập hợp, thu thập và cung cấp thông tin cho khách hàng có thể định vị bản thân như một chuyên gia trong ngành, có kiến thức chuyên sâu về các sản phẩm của họ và giữ khách hàng quay trở lại với thương hiệu. Ví dụ, Spotify tạo danh sách nhạc với chủ đề về tâm trạng, thể loại nhạc và các sự kiện, cũng như gửi đi thông tin về phiên bản mới hàng tuần và tiện ích khác cho nền tảng âm nhạc trực tuyến. Các thương hiệu thời trang tạo lookbook và các bộ sưu tập theo chủ đề, giúp người mua hàng không chỉ mua quần áo mà tạo phong cách cho bản thân mình.
5. Marketing liên kết
Mặc dù tương tự như các kiểu nội dung liên quan, marketing liên kết thậm chí còn rộng hơn, cung cấp những nội dung không nhất thiết liên quan đến sản phẩm mà thay vào đó, liên quan đến khách hàng của họ. Ví dụ, các công ty thời trang như Anthropologie và Free People là những thương hiệu phong cách sống và những người mua hàng quan tâm đến du lịch, thám hiểm, âm nhạc và nghệ thuật. Vì vậy, blog của họ tập trung vào các chủ đề đó hơn sản phẩm họ cung cấp, từ đó biến quần áo trở thành một phụ kiện cho cuộc sống mà khách hàng của họ khao khát có được. Những thương hiệu về các sản phẩm ngoài trời cũng làm những điều tương tự, tập trung vào những chủ đề về khám phá và môi trường hơn là những sản phẩm dụng cụ họ cung cấp. Những tổ chức về Đạo Thiên Chúa gửi các cuốn kinh thánh hàng ngày, xây dựng niềm tin với các nhà quyên góp và tài trợ tiềm năng. Marketing liên kết đòi hỏi một sự hiểu biết khách hàng rất sâu sắc, giúp bạn có thể trở thành một phần trong cuộc sống của họ.
6) Lãnh đạo bằng suy nghĩ. (Thought Leadership)
Được sử dụng bởi các doanh nghiệp và chuyên gia tư vấn, Thought Leadership là hình thức marketing nội dung bằng việc chia sẻ về chuyên môn và cái nhìn sâu sắc từ những người làm việc trong một lĩnh vực cụ thể. Ví dụ, MailChimp tạo ra những bài hướng dẫn có thể tải về khi gửi email cho khách hàng. Một ngân hàng có thể tạo ra một bài viết về đầu tư tài chính khôn ngoan. Trên blog này, chúng tôi sẽ chia sẻ những hiểu biết và kinh nghiệm của mình về các xu hướng marketing và công nghệ và những cách ứng dụng tốt nhất. Mục tiêu của Thought Leadership là chia sẻ kiến thức giữa các ngành công nghiệp và xây dựng lòng tin, vì vậy nếu ai đó cần một dịch vụ mà bạn cung cấp, họ tin rằng bạn hiểu rõ những gì bạn đang nói.
Khi phát triển một chiến lược nội dung, bạn không nên chỉ nghĩ về định dạng – bài đăng trên blog, email, hay hội thảo trên web – mà bạn hãy suy nghĩ về loại nội dung nào nên mang đến cho người nghe, người đọc. Tìm ra những gì tốt nhất để nâng cao hình ảnh thương hiệu và sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, và thay đổi liên tục để các khán giả luôn cảm thấy hứng thú và quan tâm.
Những loại nội dung nào mang lại những kết quả tích cực nhất cho tổ chức của bạn? Và bạn mong muốn được nhận những nội dung nào?
Nguồn: http://www.agroup.com/blog/six-types-of-content-marketing-we-love/