Tiêu điểm

Hệ thống Nhận diện Thương hiệu

Sử dụng kiểu chữ thương hiệu một cách cẩn trọng có thể là một trong những cách thể hiện hiệu quả nhất để nhấn mạnh tính cách riêng của thương hiệu. Kiểu chữ dễ được nhận biết nhất chính là kiểu chữ riêng được sử dụng cho mẫu logo, song có lẽ quan trọng hơn cả lại là kiểu chữ sử dụng cho các phần tiêu đề chính, tiêu đề phụ, nội dung văn bản và các hàng chữ thuyết minh vốn thường xuất hiện trên các loại tài liệu truyền thông thương hiệu mà doanh nghiệp bạn vẫn sử dụng hàng ngày, từ mẫu quảng cáo cho đến các tài liệu giao nhận hàng. Tất cả những hình thức truyền thông đó đều góp phần tạo dựng ấn tượng riêng cho thương hiệu của bạn.

Để hiểu được tầm quan trọng của kiểu dáng chữ đối với bản sắc nhận diện thương hiệu, bạn hãy xem các hàng chữ trên mang lại những cảm xúc khác nhau như thế nào. Chỉ là sự thay đổi về kiểu chữ song nó cũng có thể thay đổi cảm nhận trong tâm trí bạn.

Ngày nay số lượng các kiểu dáng phông chữ dạng kỹ thuật số đã vượt xa rất nhiều con số các kiểu chữ mà chúng ta biết đến từ thời còn sử dụng khuôn chữ bằng kim loại. Phông chữ phổ biến thường sử dụng trên các website như Font Haus cũng có thể có đến hơn 15.000 dáng chữ khác nhau. Quả là ngán ngẩm khi nhiệm vụ là cần thu hẹp phạm vi rộng này để chốt được một hoặc hai họ phông chữ để sử dụng trong các hoạt động truyền thông cho thương hiệu của bạn.

Tại sao bạn chỉ nên sử dụng ít kiểu dáng chữ như vậy? Thực tế là cũng giống như giọng nói của con người, mỗi một kiểu dáng chữ đều thể hiện một “âm điệu” riêng và có thể chuyển tải một tính cách nhất định. Nếu giọng điệu thay đổi liên tục thì khó có thể thể hiện được sự chân thành. Hầu hết những thương hiệu thành công đều chỉ sử dụng một hoặc hai họ kiểu chữ. Xét về mặt chức năng, kiểu chữ thương hiệu cần phải hiển thị rõ ràng ở mọi kích cỡ và bao gồm ít nhất bốn dáng chữ sau: chữ thường, chữ thường in nghiêng, chữ bôi đậm và chữ bôi đậm in nghiêng. Nếu lựa chọn kiểu chữ thứ hai để sử dụng riêng cho các tiêu đề và hàng tít đậm thì khi đó có lẽ chỉ cần bổ sung thêm một kiểu chữ nữa với dáng chữ bôi đậm và bôi đậm in nghiêng là đủ.

Các kiểu dáng chữ khác nhau mà chúng ta sử dụng là do các nhà thiết kế tạo ra. Họ phải xem xét không chỉ hình dáng của từng chữ cái riêng biệt và các kiểu dấu thể hiện âm thanh của con chữ mà họ còn phải cân nhắc xem từng chữ cái trông sẽ ra sao khi đặt bên cạnh những chữ khác trong bảng chữ cái để tạo nên từ ngữ. Bên cạnh đó, các nhà thiết kế cũng phải cân nhắc đến sự liền mạch về mặt hình ảnh thể hiện của những hàng chữ nối tiếp nhau khi hình thành nên các đoạn văn bản và thậm chí cả trang văn bản với sự kết hợp riêng của những câu chữ khác nhau.

Những người có tài sáng tạo phông chữ như thế này giúp được cho chúng ta rất nhiều sau khi có sự xuất hiện của quá nhiều công nghệ áp dụng các kiểu gõ chữ khác nhau sử dụng trên máy vi tính. May mắn là với sự ra đời của Unicode, các đặc tính chữ viết riêng biệt của nhiều ngôn ngữ khác nhau chẳng hạn như tiếng Anh và tiếng Việt giờ đây đều có thể nằm trong cùng một bộ phông chữ. Tuyệt hơn nữa là hai hãng Adobe và Microsoft đã cùng hợp tác phát triển một bộ format phông chữ mới dựa trên nền Unicode có tên là Opentype. Opentype cho phép cùng một phông chữ có thể sử dụng được cả trên hệ điều hành Windows và hệ điều hành Macintosh. Tất cả các kiểu chữ thương hiệu mà chúng tôi hiện đề xuất sử dụng đều là phông chữ có định dạng Opentype.

Khía cạnh thách thức nhất đối với việc lựa chọn kiểu chữ thương hiệu là làm sao để chúng phù hợp với tính cách thương hiệu mà bạn mong muốn thể hiện. Những tính cách thương hiệu thực sự hiệu quả rất hiếm khi bao gồm nhiều hơn ba nét tính cách. Một kiểu chữ thường chỉ có khả năng thể hiện tốt một nét tính cách duy nhất, và đây cũng chính là lý do giải thích tại sao nhiều thương hiệu sử dụng hai họ kiểu chữ tuy khác nhau song lại cần phải tương thích với nhau.

Rốt cục, mỗi yếu tố hình ảnh góp phần tạo nên bản sắc nhận diện thương hiệu – từ mẫu logo, màu sắc, kiểu chữ hay mẫu định dạng format của thương hiệu – chúng đều sẽ thể hiện một nét tính cách nhất định rõ ràng hơn các nét tính cách còn lại. Do đó, khi lựa chọn các yếu tố và kết hợp chúng cho hệ thống nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp, bạn nên lựa chọn theo cách giống như sáng tạo ra một công thức nấu ăn, cần phải có sự chu đáo và cân nhắc hương vị cẩn thận để đảm bảo sự cân đối hài hòa cho tổng thể. Cũng giống như khi nấu một món ăn ngon vậy, việc này đòi hỏi phải có chút tài khéo léo và kinh nghiệm.


Thảo luận

BrandDance toàn quyền biên tập, xóa hoặc đăng lại nội dung bình luận.
Độ dài tối đa của bình luận là 500 từ.