Bên cạnh mẫu logo, doanh nghiệp còn sở hữu một vài yếu tố hình ảnh quan trọng khác giúp hình thành nên “bản sắc nhận diện thương hiệu cốt lõi”. Đó là màu sắc thương hiệu, kiểu chữ thương hiệu và mẫu định dạng chuẩn của thương hiệu.
Việc lựa chọn và phát triển từng yếu tố trong số những yếu tố có tác động lớn này cũng chính là một cơ hội để bạn khai thác thiết kế nhằm thể hiện tính cách thương hiệu của mình xuyên suốt các hình thức truyền thông thương hiệu. Nếu không sử dụng những yếu tố này một cách khéo léo thì hệ thống bản sắc nhận diện của bạn sẽ khó thể hiện được một hình ảnh thương hiệu mạnh. Chúng ta sẽ bàn về từng yếu tố nhận diện trong những bài viết tới đây, bắt đầu từ chủ đề về màu sắc thương hiệu.
Bạn có thể nhận diện được màu thương hiệu của những công ty này không? Nhờ quản lý tốt việc sử dụng màu sắc mà những thương hiệu này đã giành được một vị trí nhất định trong tâm trí bạn.
S-Fone: Da cam, Mai Linh: Xanh lá cây, Vinamit: Tím
Về mặt chuyển tải thông điệp, bạn cần ghi nhớ hai yếu tố khi chọn lựa màu sắc cho thương hiệu. Yếu tố thứ nhất chính là đặc tính cảm xúc của từng màu sắc. Bạn hãy thử nghĩ đến màu xanh lá cây. Hay màu tím nhạt. Hay màu vàng kim chẳng hạn. Khi tâm trí bạn nghĩ đến những màu sắc này, đó cũng chính là lúc bạn liên hệ chúng với những giá trị cảm xúc nhất định theo những gì mà bạn thu nhận được trong cuộc sống. Vì vậy việc xác định xem ý nghĩa cảm xúc hàm ẩn trong từng màu sắc có phù hợp với tính cách thương hiệu của bạn hay không, đó là một sự cân nhắc quan trọng.
Yếu tố truyền thông thứ hai mà bạn cần cân nhắc là màu sắc có khả năng giúp bạn tạo sự khác biệt cho thương hiệu trên thị trường như thế nào. Đối với rất nhiều thương hiệu trên thế giới, cho đến nay màu xanh nước biển vẫn là màu phổ biến nhất, và tiếp theo sau là màu đỏ. Sử dụng hai màu này có thể khiến cho thương hiệu của bạn trông như được gia nhập vào một câu lạc bộ thương hiệu lớn, song bạn sẽ chỉ là một trong số rất nhiều thành viên trong câu lạc bộ đó mà thôi. Còn có những màu sắc khác có thể giúp bạn tạo sự nhận biết riêng. Thậm chí ngay cả với một màu tương đối phổ biến chăng nữa thì cũng có rất nhiều sắc độ và tông màu độc đáo có thể giúp bạn phá vỡ lối mòn sử dụng màu sắc thông thường. Vậy khi dùng nhiều màu thì sao? Đúng là một cặp màu có khả năng tạo ấn tượng thương hiệu khá sâu đậm, song cũng tương tự như khi dùng một màu, cặp màu đó sẽ lưu giữ ấn tượng tốt hơn nếu bạn tránh sử dụng những cách kết hợp màu sắc quá phổ biến.
Về mặt chức năng, bạn cần cân nhắc xem màu sắc sẽ được sử dụng như thế nào trong các hình thức truyền thông của thương hiệu. Để tạo được ấn tượng sâu đậm về màu sắc, bạn cần sử dụng màu thương hiệu của mình không chỉ cho mẫu logo mà cần phải áp dụng cho mọi thứ ngoại trừ có yêu cầu cụ thể rõ ràng nào khác. Điều đó có nghĩa là phải sử dụng màu sắc của thương hiệu không chỉ trên những diện tích lớn như phông nền hay bề mặt bao bì mà màu sắc thương hiệu còn có thể giúp nhấn mạnh tiêu đề phụ trong các cuốn tài liệu giới thiệu, thậm chí cả các dấu hiệu nho nhỏ đánh dấu đầu dòng trong các ấn phẩm in ấn với chi phí tiết kiệm. Trên những không gian nhỏ như vậy, những màu sáng như màu vàng nhạt sẽ khó có thể nhận biết bằng mắt thường và những màu sẫm như màu xanh nước biển đậm trông sẽ gần giống như màu đen. Khi đó hiệu ứng hình ảnh của những màu này sẽ biến mất.
Nếu bạn khéo léo lựa chọn màu sắc cho thương hiệu thì lợi ích mang lại là rất lớn. Giả sử tôi hỏi bạn màu thương hiệu của Coca-Cola là gì, chắc hẳn bạn đã có ngay câu trả lời. Bạn thử nghĩ xem sự nhận biết màu sắc rõ ràng như vậy đã mang lại những giá trị to lớn như thế nào cho thương hiệu Coca-Cola. Chúng ta đều biết rằng hình ảnh của thương hiệu góp phần vào tài sản vô hình trên bản cân đối ngân sách, do vậy chắc chắn rằng với câu trả lời bạn vừa nghĩ đến trong đầu, nhân lên với con số hàng triệu người uống cola trên toàn thế giới, điều đó tạo cho màu đỏ tươi của Coca-Cola một giá trị rất lớn.
Vậy bạn nghĩ thương hiệu nổi tiếng và trị giá hàng tỷ đô la này đã phải tiêu tốn bao nhiêu tiền để đạt được sự nhận biết về màu đỏ như vậy?
Thực tế câu trả lời là rất ít. Đúng là chúng ta trông thấy rất nhiều mực in và sơn màu đỏ sử dụng trên tất cả các vật dụng của Coca-Cola, tuy nhiên nếu như họ không dùng màu đỏ thì họ cũng sẽ dùng một màu nào đó khác, và chi phí sử dụng màu sắc ấy cũng sẽ không có sự khác biệt quá lớn. Nói cách khác, thương hiệu có thể tạo được sự nhận biết rộng rãi về màu sắc chỉ đơn giản bằng cách quản lý việc sử dụng màu sao cho hiệu quả. Quả là rất hời! Sử dụng khéo léo màu sắc của thương hiệu chính là một trong những vũ khí đơn giản và kinh tế nhất trong trận chiến tranh giành sự nhận biết thương hiệu.