Nếu là tín đồ của các hoạt động dã ngoại, leo núi chuyên nghiệp, chắc chắn bạn đã từng có lần nghe tới Patagonia – một thương hiệu thời trang nổi tiếng của Mỹ trị giá hàng triệu đô la. Không chỉ được biết đến với những sản phẩm quần áo hay balo bền bỉ, chất lượng, Patagonia còn tạo dấn ấn với các hoạt động về môi trường và tầm nhìn phát triển bền vững ngay từ những ngày đầu thành lập.
Khi còn trẻ, Yvon Chouinard – nhà sáng lập Patagonia đã dành trọn thời gian với những chuyến leo núi và nhận ra rằng những thiết bị hỗ trợ tại thời điểm đó chưa thoả mãn được các nhu cầu của mình. Điều này đã thôi thúc chàng trai trẻ tự tay làm ra các thiết bị cho riêng mình khi mới 19 tuổi. 16 năm sau, vào năm 1957, cửa hàng bán “dụng cụ leo núi thiết kế theo yêu cầu” đầu tiên mang tên Patagonia được khai trương tại Ventura (California), trước khi mở rộng sang sản xuất trang phục dành cho các bộ môn thể thao ngoài trời khác. Ngoài đồ leo núi, Patagonia ngày nay còn cung cấp sản phẩm phục vụ cho các hoạt động dã ngoại như đồ cắm trại, túi ngủ và balo chuyên dụng.
Tận tâm với sứ mệnh phát triển bền vững từ những ngày đầu, Patagonia là một trong những ví dụ hiếm hoi trong ngành thời trang khi kiên định với quan điểm đặt sự bền vững lên trên lợi nhuận. Và chính hướng đi khác biệt này đã đem đến “quả ngọt” cho doanh nghiệp khi mức doanh thu hàng năm của hãng đạt khoảng 800 triệu đô la cùng cộng đồng người tiêu dùng có đạo đức ngày một lớn mạnh.
Vậy Patagonia đã làm gì để xây dựng được thành công một thương hiệu tiên phong, bản lĩnh và đầy trách nhiệm?
Khác với mọi thương hiệu thời trang khác, Patagonia đã tạo cho mình được sự khác biệt độc đáo bởi lời cam kết bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cô đọng, sâu sắc: “Patagonia is in business to save our home planet.” (tạm dịch: Kinh doanh để cứu hành tinh quê hương của chúng ta). Lời cam kết này không chỉ là một lời hứa viển vông mà còn là sứ mệnh đã được hiện thực hoá và công nhận xuyên suốt 50 năm kể từ ngày thành lập.
Các sản phẩm mang thương hiệu Patagonia được sản xuất với tiêu chuẩn bền vững cao và mang tính xuyên suốt, từ việc lựa chọn chất liệu (87% sản phẩm sử dụng chất liệu có thể tái chế) đến việc sử dụng năng lượng tái chế trong tất cả các hoạt động phi sản xuất của doanh nghiệp (100% năng lượng tiêu thụ tại cửa hàng, văn phòng, trung tâm phân phối). “Kể từ quý III 2019, Patagonia giúp loại bỏ 14,6 triệu pound CO2 ra khỏi bầu khí quyển. “Điều đó giống như trồng 109.000 cái cây vậy.” – trích từ tuyên bố môi trường của doanh nghiệp. Patagonia cũng cam kết chuyển đổi 100% bao bì sử dụng sang chất liệu tái chế, có thể tự phân hủy tại nhà, tái tạo hoặc dễ dàng tái chế vào năm 2025. Để làm điều đó, Patagonia hợp tác chặt chẽ với các tổ chức bảo vệ môi trường có uy tín như Liên minh May mặc Bền vững (Sustainable Apparel Coalition) và B Lab – một mạng lưới phi lợi nhuận với mục tiêu chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu để mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, cộng đồng và hành tinh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng không ngừng triển khai các hoạt động mang tính bền vững như chương trình “1% for the Planet” – cam kết quyên góp 1% doanh thu thuần của doanh nghiệp cho các tổ chức phi lợi nhuận chính thống về môi trường, hay xây dựng “Action works” – trang web cho phép người dùng có thể kết nối và tham gia vào các nhóm bảo vệ môi trường tại địa phương hoặc khu vực. Ở mảng thời trang, Patagonia xây dựng “The Worn Wear” – nền tảng trao đổi, mua bán các thiết bị, quần áo Patagonia second-hand. “The Worn Wear” gây ấn tượng mạnh với mức tăng trưởng 40% trong hai năm hoạt động, tiếp nhận hơn 67.000 sản phẩm may mặc và kết nối một cộng đồng lên tới 50.000 thành viên.
Về truyền thông, Patagonia truyền tải tinh thần bền vững qua nghệ thuật kể chuyện thương hiệu độc đáo, giao tiếp với khách hàng như những người bạn có cùng niềm đam mê với những hoạt động thám hiểm, tương tác với thiên nhiên và có ý thức sâu sắc về chủ đề bảo vệ môi trường. Thương hiệu gây ấn tượng với người tiêu dùng toàn cầu bởi những chiến dịch truyền thông độc đáo, “nói là làm”. Vào năm 2021, Patagonia phát động chiến dịch “Buy Less. Demand More” để giáo dục người tiêu dùng về các vấn nạn môi trường và xã hội trong lĩnh vực thời trang; từ đó thúc đẩy thói quen và nâng cao tiêu chuẩn bền vững của khách hàng. Trong nền kinh tế cung cầu, ý thức của người tiêu dùng chính là yếu tố ảnh hưởng mạnh mẽ nhất buộc ngành công nghiệp thời trang phải có trách nhiệm hơn.
Đỉnh điểm cho sứ mệnh bảo vệ hành tinh của Patagonia là tuyên bố của nhà sáng lập về việc “tặng lại” di sản thời trang trị giá 3 tỷ USD của mình cho một cổ đông lớn duy nhất là Trái Đất. Yvon Chouinard và gia đình quyết định thay đổi cấu trúc công ty nhằm dành tất cả lợi nhuận cho việc bảo vệ môi trường. “Tính đến thời điểm hiện tại, Trái Đất là cổ đông duy nhất của chúng tôi. Tất cả lợi nhuận sẽ dành phục vụ sứ mệnh của doanh nghiệp là cứu hành tinh quê hương của chúng ta”, Chouinard bộc bạch trong tâm thư được đăng tải trên website của Patagonia.
Theo công bố này, tổng tài sản của Patagonia, trị giá khoảng 3 tỷ USD sẽ được chuyển quyền sở hữu cho quỹ Patagonia Purpose Trust (tạm dịch: Quỹ tín thác vì mục tiêu của Patagonia) được giám sát bởi các thành viên gia đình Chouinard cùng các cố vấn thân cận và tổ chức phi chính phủ Holdfast Collective với mục đích phục vụ cho các hoạt động bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Toàn bộ lợi nhuận của công ty cũng sẽ được dùng để bảo vệ môi trường và những khu vực nguyên sinh cần được bảo tồn trên thế giới. Động thái này cho thấy nhà sáng lập đã trao quyền làm chủ công ty và gần như toàn bộ tài sản của mình cho mẹ Thiên nhiên.
Trong suốt quá trình phát triển của mình, Patagonia vẫn luôn gây dựng dấu ấn bền vững bằng chính các hoạt động mang tính mang tính giáo dục và nâng cao nhận thức, đồng thời cũng đầy thiết thực và được thực hiện một cách mạnh mẽ và xuyên suốt “Mặc dù vô cùng rộng lớn nhưng tài nguyên của Trái đất không phải là vô hạn và rõ ràng là chúng ta đã vượt quá giới hạn. Nhưng mẹ Trái đất cũng kiên cường. Chúng ta có thể cứu hành tinh của mình nếu chúng ta cam kết với nó.” – Yvon Chouinard.