Hầu hết các bậc cha mẹ đều cân nhắc kỹ lưỡng việc đặt tên cho con cái bởi chúng ta tin rằng tên gọi có ảnh hưởng nhất định đến tính cách của con trẻ. Tương tự như vậy, tên gọi mà bạn lựa chọn cho thương hiệu của mình cũng có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu được phát triển dựa trên chiến lược khác biệt hoá thương hiệu rõ ràng, tên thương hiệu sẽ phù hợp với tính cách thương hiệu đã được tạo dựng một cách kỹ lưỡng. Lý tưởng nhất là tên thương hiệu còn thể hiện được rõ ràng các nét đặc tính của thương hiệu.
Trước tiên, hãy lưu ý rằng chúng ta đang đề cập đến tên thương hiệu của doanh nghiệp hoặc dự án bất động sản chứ không phải tên đăng ký pháp lý. Tên thương hiệu cũng giống như tên gọi của bạn – đó là cái mà qua đó bạn muốn bạn bè biết đến mình. Sử dụng tên pháp lý thường xuyên là một sự lãng phí rất lớn đối với khoảng không gian quý giá trên các phương tiện truyền thông mà doanh nghiệp sử dụng. Tệ hơn nữa, chính điều này gây phức tạp cho khách hàng trong việc ghi nhớ và liên hệ đến thương hiệu của bạn.
Khi cần đặt tên cho một thương hiệu mới, chúng ta thường nghĩ ngay đến những tên gọi mang tính chất mô tả. Đa phần những tên mô tả mà các doanh nghiệp sở hữu hiện nay đều được tạo ra khi họ còn là những doanh nghiệp đi tiên phong trong lĩnh vực của mình. Tại thời điểm đó không có quá nhiều sự cạnh tranh và doanh nghiệp có thể tạo được tên gọi riêng mà không phải cân nhắc quá nhiều. Những cái tên như VinaLand (Vinaland Invest Corp.), Dat Xanh (Datxanh Group) và Riverside Residence (một dự án bất động sản của Phú Mỹ Hưng, toạ lạc bên bờ sông). Thậm chí đến nay nếu những tên gọi mang tính chất mô tả như vậy vẫn có khả năng đăng ký pháp lý đi chăng nữa thì chúng cũng không đủ sức tạo sự khác biệt cho thương hiệu.
Ngày nay những tên gọi mang tính chất gia đình thường không mấy được đánh giá cao. Tuy nhiên những thương hiệu này lại thể hiện một đặc tính riêng biệt mà chúng ta không nên bỏ qua. Thật dễ hình dung người sáng lập đã gửi trọn biết bao tâm ý và lý tưởng khi quyết định sử dụng tên gọi của chính mình cho công ty như Savills (một trong những công ty bất động sản lớn nhất nước Anh, do Alfred Savill thành lập năm 1855), Marriott International (công ty quản lý bất động sản hàng đầu thế giới, sáng lập bởi J.William Marriott năm 1927) hay Tập đoàn Nam Cường (một tập đoàn bất động sản lớn tại Việt Nam, thành lập bởi ông Trần Văn Cường, một doanh nhân vốn nổi tiếng với phương châm và lý tưởng kinh doanh của mình).
Tuy nhiên, những tên mô tả hay tên gia đình thường không thể hiện tính cách thương hiệu hiệu qủa như những tên gọi gợi liên tưởng về mặt cảm xúc như Hoà Bình (Tập đoàn Hoà Bình, thể hiện sự bình yên và phù hợp với tư tưởng “an cư lạc nghiệp” của người Việt) và Phú Mỹ Hưng (biểu hiện cuộc sống thịnh vượng trong các dự án bất động sản). Những tên thương hiệu như vậy chiếm ưu thế hơn bởi vì ngay khi nghe thấy hay đọc thấy các tên gọi này, những liên hệ về mặt cảm xúc đã bắt đầu nhen nhóm trong tâm trí bạn.
Tên trừu tượng có thể bao gồm các phần cấu tạo tên khác nhau ghép lại. Mặc dù có thể chúng ta thậm chí không ý thức được điều này, song ý nghĩa hàm ẩn của những phần tên ghép đó có thể tạo cho chúng ta một ấn tượng tích cực. Một số ví dụ tên thương hiệu thuộc nhóm này bao gồm AZland (thể hiện dịch vụ bất động sản từ A đến Z), Everland (thể hiện giá trị lâu dài của các dự án) hay một cái tên trừu tượng có âm điệu dễ nghe như Ciputra (một dự án bất động sản tại Hà Nội) hay Vincom (tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam).
Xen giữa những kiểu tên thương hiệu cơ bản kể trên còn có rất nhiều thương hiệu thuộc dạng tên lai ghép chẳng hạn như Capitaland, VietRees, sự kết hợp giữa tên trừu tượng và tên mang tính chất mô tả.
Kiểu tên thương hiệu cuối cùng là những tên gọi tiện dụng do chính thị trường tạo ra. Thường khi tên thương hiệu quá dài, thị trường sẽ tự rút ngắn tên gọi đó lại. Điều này đang diễn ra với các công ty phát triển nhà và đô thị Việt Nam như HUD hay CBRE cho tên tập đoàn CB Richard Ellis từ tháng 11 năm 2001. Các tên gọi tắt thường mờ nhạt về mặt ý nghĩa, ít khả năng biểu đạt cảm xúc, và chúng dễ chìm nghỉm trong vô vàn những tên thương hiệu viết tắt khác có mặt trên thị trường.
Ngoài thể loại của tên thương hiệu, bạn cũng nên cân nhắc xem tên gọi nghe có kêu không và khi viết nhìn có bắt mắt không. Một cái tên hay cần có nhịp điệu dễ chịu, cân đối hài hòa giữa các nguyên âm và phụ âm khi tên gọi được cất lên. Tính liên kết giữa từng chữ cái riêng lẻ với nhau cũng là một yếu tố quan trọng, đặc biệt khi tên thương hiệu sẽ được thể hiện hình ảnh như một “dấu ấn từ hiệu” – một điểm nhấn được thể hiện qua những chữ cái được vẽ độc đáo thay cho một hình biểu tượng cụ thể.