Trong các bài viết trước, chúng ta đã tìm hiểu được phần lớn các yếu tố ngôn ngữ và hình ảnh cốt lõi tạo dựng nên hệ thống bản sắc nhận diện thương hiệu. Về khía cạnh ngôn ngữ, những yếu tố này bao gồm tên thương hiệu và câu định vị thương hiệu. Về khía cạnh hình ảnh, chúng gồm có logo thương hiệu, màu sắc thương hiệu, kiểu chữ thương hiệu và mẫu định dạng chuẩn của thương hiệu. Yếu tố cuối cùng vừa nhắc tới, mẫu định dạng thương hiệu là yếu tố kết hợp tổng thể tất cả những yếu tố khác.
Bất kỳ loại tài liệu truyền thông dạng thể hiện hình ảnh nào cũng cần có một mẫu định dạng rõ ràng để giúp cho người đọc dễ dàng lướt qua các thông tin trình bày mà không gặp phải vướng mắc gì. Trong cuốn sách hay trên tờ báo bạn đọc sáng nay, bạn đều có thể tìm thấy các sự kết hợp đa dạng của tiêu đề chính, tiêu đề phụ, hàng chữ thuyết minh, cách đánh số trang, ảnh minh họa, tranh vẽ và nhiều yếu tố đồ họa khác. Khi áp dụng nhất quán một mẫu định dạng với bố cục trình bày tất cả các yếu tố theo một cách rõ ràng, mẫu định dạng không những mang lại ích lợi cho người đọc, mà bên xuất bản cũng có thể soạn thảo thông tin nhanh hơn và hiệu quả hơn so với khi phải soạn thảo riêng cho từng trang một. Nếu thiếu những mẫu định dạng theo format chuẩn, các đơn vị xuất bản sẽ không thể cung cấp tin tức cho bạn một cách nhanh chóng.
Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng mẫu định dạng nhất quán như vậy cũng cần những yếu tố dung hòa nhất định, bởi có trường hợp sẽ cần phải hy sinh một số yếu tố nhằm đạt được bố cục trình bày tiêu chuẩn. Phần chữ viết đôi khi cần phải chỉnh sửa thay vì sử dụng cỡ chữ nhỏ hơn cho vừa với khuôn khổ của trang viết, hoặc một hình minh họa được điều chỉnh kích thước to lên hay nhỏ đi so với chủ đề dự tính ban đầu để có thể gióng hàng ngay ngắn với các cột nội dung. Nhưng bù lại, vượt xa hơn nhiều các lợi ích nho nhỏ như vậy chính là những thuận lợi của việc sắp xếp bố cục nội dung sao cho nhất quán để bạn có thể nhanh chóng dễ dàng tiếp nhận thông tin.
Bên cạnh những cân nhắc mang tính kỹ thuật kể trên thì mẫu định dạng format được tạo dựng cẩn thận cũng có thể giúp chuyển tải một tính cách nhất định. Một lần nữa các đơn vị báo chí lại là những ví dụ giúp chúng ta minh họa sức mạnh thể hiện của các mẫu định dạng chuẩn. Chẳng hạn, thậm chí nếu bạn xem những bức hình đen trắng chụp các trang tạp chí khác nhau được thiết kế cho các đối tượng khán giả rất khác nhau chẳng hạn như tạp chí Đẹp, PC World, hay Hoa Học Trò 2!, nhờ có mẫu định dạng format rất riêng của từng tạp chí, bạn có thể nhận ra từng cuốn tạp chí chuyển tải một cảm giác tương đối phù hợp với đối tượng độc giả riêng của họ.
Thương hiệu của bạn cũng có thể có được những lợi ích chức năng và lợi ích cảm tính này, giống như nhiều ấn phẩm xuất bản đã tạo được từ hơn một thế kỷ qua. Song để làm được như vậy bạn cần phải có một mẫu định dạng chuẩn cho thương hiệu.
Nhà thiết kế có rất nhiều lựa chọn về bố cục kết hợp để có thể tạo ra mẫu định dạng format cho thương hiệu. Những yếu tố này có thể là số cột trên một dàn trang, cách lựa chọn định dạng nội dung văn bản căn đều hai bên, căn trái hay căn giữa; khoảng cách giữa các hàng chữ; kích cỡ chữ và tiêu đề; những lựa chọn về định dạng đoạn văn bản như khoảng cách đầu dòng; tỷ lệ cân đối giữa các phần nội dung, hình ảnh và khoảng trống trên dàn trang; cách sử dụng các yếu tố đồ họa để tổ chức bố cục như đường kẻ dóng; các yếu tố đồ họa khác có thể xuất hiện dưới dạng ẩn trên hình nền và còn nhiều, rất nhiều yếu tố khác nữa.
Để bất kỳ sự lựa chọn về cách kết hợp các yếu tố trên mang lại lợi ích cho thương hiệu, nhà thiết kế không những phải ghi nhớ những yêu cầu về mặt thẩm mỹ mà còn phải cân nhắc xem hiệu quả mang lại sẽ góp phần nhấn mạnh hay làm lu mờ tính cách của thương hiệu. Hơn nữa, khi định dạng format cho một phương tiện truyền thông nhất định, ví dụ như biểu mẫu giao dịch, thì nhà thiết kế cũng cần cân nhắc xem nó sẽ liên hệ về mặt hình ảnh như thế nào với các phương tiện truyền thông khác chẳng hạn như tài liệu giới thiệu sản phẩm hay bản tin nội bộ. Các mẫu định dạng format cho các phương tiện truyền thông khác nhau cần phải điều chỉnh cho phù hợp với những yêu cầu kỹ thuật đặc thù của từng phương tiện, tuy vậy chúng cần phải có diện mạo tương tự nhau để cùng giúp thương hiệu tạo được ấn tượng tối đa một cách nhất quán. Làm thế nào để mẫu định dạng chuẩn thương hiệu có thể làm được điều này? Đó sẽ là chủ đề mà chúng ta bàn tới trong các bài viết tiếp theo.