“Nghệ thuật tạo từ”, hay wordmanship trong tiếng Anh là một từ không tồn tại trong từ điển. Tôi đã tạo ra nó cho bài viết này. Nhờ người biên dịch mà các bạn có thể hiểu nó bằng tiếng Việt, mặc dù cụm từ này cũng còn mới lạ trong ngôn ngữ của các bạn. Và cảm ơn nhà xuất bản đã không biên tập lại bởi vì từ này không có mặt trong bất kì một cuốn từ điển tiếng Việt nào. Và đó chính là nội dung của bài viết này, về những từ ngữ mới, tại sao chúng lại quan trọng đối với truyền thông thương hiệu, và tại sao số lượng từ ngữ mới ngày nay lại ít như vậy trong khi Việt Nam có một bề dày lịch sử phát triển ngôn ngữ rất độc đáo.
Trong tiếng Anh, các từ vựng mới xuất hiện với một tốc độ “kinh hoàng” – một nghiên cứu gần đây sử dụng Google Books ước tính số lượng từ vựng trong từ điển tiếng Anh từ năm 1900 đến hiện nay đã tăng gấp đôi, lên đến hơn một triệu từ. Theo Global Language Monitor, khoảng 5.400 từ vựng tiếng Anh mới được tạo ra mỗi năm, mặc dù chỉ khoảng 1000 từ được sử dụng đủ thường xuyên để đưa vào từ điển. Tuy nhiên, đối với Tiếng Việt, ngôn ngữ mà tôi ít khi thấy có sự “chơi đùa với từ ngữ”, thì tốc độ xuất hiện của các từ vựng mới là ít hơn rất nhiều. Mặc dù chưa có thông tin chính thức nào về sự phát triển từ vựng của tiếng Việt cả, nhưng trong ấn bản đầu tiên của Từ điển tiếng Việt năm 1992, bởi Nhà xuất bản Bách khoa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có 2.090 từ được thêm vào, và trong ấn bản thứ hai năm 2000, số lượng từ mới giảm chỉ còn 1.670.
Một trong những cách để phát triển một ngôn ngữ đó chính là “vay mượn” từ các ngôn ngữ khác. Hầu hết các từ vựng tiếng Anh đều được vay mượn từ rất lâu rồi, cũng như nhiều từ tiếng Việt với nguồn gốc Hán Việt. Nhưng nếu nhìn vào tiếng Anh đương đại, thì hơn 90% các từ mới đều có nguồn gốc từ tiếng Anh cổ. Thế nhưng, những sự sáng tạo từ vựng theo cách đó là rất hiếm đối với tiếng Việt.
Những nhà ngôn ngữ học như Giáo sư Anne Curzan, Đại học Michigan, đã có những bài giảng truyền cảm hứng cho tôi viết bài báo này, hãy lưu ý rằng tất cả chúng ta đều tự tạo ra những câu mới mỗi ngày, và từ đó mà dần định hình nghĩa của các từ vựng trong ngữ cảnh của câu. Đó chỉ là một bước nhỏ để tạo ra từ mới, và chúng ta cũng làm việc đó với tiếng lóng và các từ mang tính ngẫu hứng như nghệ thuật tạo từ.
Dù chưa có bằng chứng gì, nhưng tôi đoán truyền thông thương hiệu là lĩnh vực chỉ đứng sau văn học trong phạm trù phát triển từ ngữ mới. Dù sao thì, một ấn phẩm quảng cáo tốt nhất, dù ở bất cứ hình thức nào, đều mong muốn dùng cùng chung ngôn ngữ với độc giả. Mọi từ mới khi lần đầu được sử dụng đều mang lại một cảm giác hơi bất ngờ và thậm chí là lạ lùng. Suy cho cùng thì, chúng là từ vựng mới. Và chính sự mới mẻ của các từ vựng này khiến chúng thu hút hơn trong truyền thông thương hiệu.
Ngoài việc thêm tiền tố hoặc hậu tố cho một từ như chức năng thành đa chức năng hoặc chức năng hoá. Cách thức sáng tạo nhất để tạo ra từ mới là bằng cách kết hợp, khi mà hai từ hoặc ý nghĩa của chúng được kết hợp lại, ví dụ như từ Giao liên. Chúng ta đang đến gần hơn đến ý tưởng cốt lõi của nghệ thuật tạo từ. Sự kết hợp này quá rõ ràng và dễ dàng, mà nhiều khi chúng ta có thể hiểu được ý nghĩa của từ ngữ mới được tạo thành mà không cần phải giải thích thêm, ví dụ như các từ vựng sau trong Từ điển Mở Mariam-Webster 2016: ecotainment/giải trí xanh, các hoạt động giải trí mang ý thức bảo vệ môi trường, hay loveshy/ngại yêu, quá ngại ngùng để tán tỉnh ai đó, hay thungry/khát đói, nghĩa là vừa khát vừa đói.
Từ những ví dụ trên, có lẽ tạo ra từ vựng tiếng Việt cũng dễ dàng như đối với tiếng Anh. Thực tế thì điều này hoàn toàn có thể. Nhưng bây giờ thì điều đó chưa thực sự xảy ra. Khi tôi hỏi nhà sử học Lê Văn Lan tại sao lại như vậy, ông ấy đã giải thích rằng chúng ta đang ở giai đoạn khi mà tốc độ cuộc sống ngày càng tăng, thì ngôn ngữ lại có xu hướng trở nên ngắn gọn hơn là mở rộng. Tôi cũng đã nhận ra điều này. Hơn 20 năm trước, tôi đã học được câu rẽ trái. Còn bây giờ, chỉ nói trái không thôi lại trở nên phổ biến hơn.
Chúng ta cũng không còn lạ gì với việc ghép từ trong tiếng Việt. Mặc dù được viết với một âm tiết, nhưng hầu hết các từ tiếng Việt đều được ghép với nhau, một số từ còn đa âm tiết, ví dụ như tuyệt cú mèo và xấc bấc xang bang.
Liệu việc tăng tốc sáng tạo các từ ngữ mới có thể trở thành xu hướng trong ngành thương hiệu và marketing tại Việt Nam hay không? Hãy lấy nguồn gốc của chữ Quốc ngữ làm nguồn cảm hứng. Nó đã được phổ cập đại chúng như một phương thức giao tiếp vào đầu thế kỉ 20, nhằm phản kháng lại thực dân Pháp. Tại thời điểm đó, số lượng từ vựng tiếng Việt tăng với tốc độ đáng kinh ngạc do cả các nhà từ điển học và mọi người khác đều tạo thêm các từ mới, thường là phức từ, để diễn tả các ngôn ngữ khác, trước đó chỉ được biết tới dưới dạng tiếng Pháp tại Việt Nam. Thật là một giai đoạn bùng nổ tuyệt vời của ngôn ngữ giao tiếp.
Liệu đây có là thời điểm để hồi sinh sự sáng tạo trong tiếng Việt?